Chuyện kẻ ở, người đi
Tác giả: Hiệu Minh
Bài đã được xuất bản.: 10 giờ trước
Mỗi người Việt xa tổ quốc đều có câu chuyện riêng của mình, chuyện vui, chuyện buồn, chuyện mất mát giữa biển khơi hay thành đạt nơi xứ người. Nhưng tất cả đều có một cái chung, đó là tổ quốc hình chữ S.
Bao người Việt xa tổ quốc muốn về thăm quê nhưng cũng khó, do công việc làm ăn, kinh tế hạn hẹp, đi lại xa, bay một ngày đêm mới đến. Trái giờ, đêm thức ngày ngủ, không quen khí hậu, môi trường, sang đường rất sợ, vì bên ta, xe không nhường người đi bộ. Đó là chưa kể chuyện tế nhị của người ra đi với con đường khác nhau, lý do khác nhau, những gì nghe nói bên nhà, xem báo, nghe đài.
Người về dự hội nghị kiều bào tại Hà Nội (20 - 23/11/2009) phải nặng lòng với quê hương, không ít đã vượt qua định kiến của chính mình nên đã tự bỏ tiền túi mua vé máy bay.
Không về dự hội nghị, tôi bỗng nảy ra ý, thử đặt địa vị mình là người ở nơi xa khi hướng về tổ quốc, mong đợi gì nơi đất mẹ.
Đi về Hà Nội thường xuyên, tôi cũng thử vào vai một người trong nước, đặt hy vọng gì vào người đi xa.
Vai thứ nhất: Người ở quê hương.
Xin kể một chuyện cách đây gần 40 năm. Những năm 1970, sau khi du học Đông Âu, về nước, anh bạn mua mấy tút thuốc lá làm quà. Biết thuốc lá có đầu lọc nên khi đưa thuốc mời anh nhắc: "Thuốc Tây đó, bố phải cẩn thận".
Ông già lầm bầm: "Làm như bố anh ngu lắm, điếu thuốc lá mà không biết hút chăng". Nói rồi ông tự châm. Mùi khét lẹt bay lên vì cụ châm vào đầu có cái bọt biển (đầu lọc). Ông lại bảo "Tây tầu chó gì, mùi khét bỏ mẹ".
Anh con trai lúc ấy mới nói: "Con đã bảo, bố không nghe. Bố hút nhầm phía có đầu lọc rồi". Nhưng ông bố nói mát: "Giọng dậy đời và khoe "tây tây" của anh tôi ghét lắm".
Bạn cứ tưởng tượng mình về nước đôi khi cũng na ná thế. Tây học quá nên quên rằng, nhà quê thích lễ nghĩa, nói năng phải khéo. Khoe bên Tây thế này, bên Mỹ thế kia, không ai thèm nghe, dù có đúng chăng nữa.
Cũng may, ông bố sau khi hút xong điếu thuốc thừa nhận: "Thuốc lá ngon. Nhưng anh khéo léo một chút khi mời thì điếu thuốc sẽ thơm hơn".
Kể chuyện đó để hiểu rằng, người đi xa, biết nhiều, hiểu nhiều, tiếp xúc với thế giới phương Tây, có nhiều giá trị đáng học, nhưng không phải cứ mang về là được người ta chấp nhận. "Thành Rome không thể xây qua một đêm".
Tại buổi nói chuyện của ông James Wolfensohn, cựu chủ tịch Ngân hàng thế giới, khi thăm Việt Nam, ông kể đã đi từ Nam ra Bắc, gặp người rất nghèo đang nuôi cá hay dân sống trên thuyền. Khi được hỏi cần trợ giúp gì không, hầu hết trả lời, không cần tiền nhân đạo mà muốn được học cách làm ăn, có nghề nghiệp, con cái được học hành. Ông vô cùng khâm phục dân tộc chăm chỉ và ham học này.
Tiền bạc 4 - 5 tỷ đô la đồng bào gửi hàng năm về Việt Nam rất quí, nhưng quí hơn cả, nếu ai biết đầu tư cho tri thức, cho đào tạo, cho con người. Đó mới là tương lai dân tộc.
Vai thứ hai: Kiều bào
Thời ở làng Trích Sài (Hà Nội), không biết ru con nên chỉ nhớ vài câu cha tôi ru thuở nào "con ơi, con ngủ cho ngoan. Mẹ còn đi cấy đồng sâu chưa về". Tôi à ơi qua loa là chúng ngủ. Hôm nào lên giường, tôi quên, hai đứa lại nhắc: "Bố ơi, hát đi".
Hai đứa nhỏ sang Mỹ khoảng 3 - 4 tuổi. Thời gian đầu, tôi vẫn dùng mấy câu ca dao ấy để ru. Nhưng rồi công việc bận cả ngày. Bố mẹ đi từ sáng đến tối, con cái gửi ở trường sau giờ học. Mãi đến 7 giờ tối mới có 2 tiếng để cả nhà xum họp. 9 giờ phải đi ngủ và để ngày mai lặp lại. Cuối tuần bận mua thức ăn, dọn dẹp nhà cửa. 6 năm trôi qua như bóng câu ngoài cửa sổ.
Các cháu quen trường Mỹ, nhiều bạn và bắt đầu chỉ nói tiếng Anh. Tiếng Việt chỉ còn loáng thoáng. Cho đến một tối, tôi lại à ơi bài "Con ơi" thì thằng cu lớn (8 tuổi) nhắc "Can you sing something different - Bố hát cái gì khác được không?".
Viết những dòng này, nước mắt muốn chạy vào trong, vì biết không thể giữ được "đồng sâu" trong trái tim của đứa con.
Tôi sang Mỹ với nhiều nỗi lo, lo mình không trụ lại được, lo con cái mất gốc, lo mẹ mất không kịp về chịu tang. Nhưng lo hơn cả, người Việt Nam ta thua chị kém em.
Như nhiều người khác, tôi mua nhà trả góp trong 30 năm vì ở đây không ai mang bao tải tiền đi mua như bên Việt Nam. Hàng tháng đi làm lấy 1/3 lương để trả tiền nhà, tiền lãi vay ngân hàng. Trong 30 năm ấy, nếu mất việc, không có tiền trả sẽ bị ngân hàng phát mãi, thành vô gia cư. Công việc làm ăn, kiếm tiền đủ để nuôi con, trả các loại hóa đơn đã chiếm hết tất cả thời gian và sức lực của nhiều gia đình di cư.
Làm việc trong một môi trường cạnh tranh khắc nghiệt nên bản thân cũng lớn lên vì phải hiểu biết pháp luật, hoàn thiện ngoại ngữ, thói quen đúng giờ, làm gì cũng phải có kế hoạch, biết tự tin trước đám đông, tỏ rõ khả năng phản biện.
Sau vài năm thấy mình hội nhập lúc nào không biết. Nơi định cư mới trở nên thân quen, không còn xa lạ như ban đầu. Gọi là quê hương thứ hai cũng chẳng sai.
So sánh với đồng nghiệp da trắng, người Việt mình đâu có kém. Có người thành lãnh đạo cao cấp, nghị sỹ quốc hội, hay nghị viên thành phố. Nhiều giáo sư, tiến sỹ đầu ngành trong các trường đại học hay viện nghiên cứu nổi tiếng.
Khi gia đình đã ổn định nơi xứ người, với những kinh nghiệm học được, nhiều anh chị nghĩ đến việc đóng góp cho đất nước, nơi chôn rau cắt rốn.
Có hàng ngàn cách đóng góp cho đất nước. Người gửi tiền hàng tháng về giúp gia đình dù chả dư dật gì. Đứa cháu tôi bưng bê trong một cửa hàng ăn ở xứ Viễn Đông giá lạnh chỉ hy vọng hàng tháng gửi khoảng 50$ cho bố mẹ ở Ninh Bình.
Người khác về nước tìm kế làm ăn, mang những kiến thức học được để giúp phát triển. Nhiều trí thức đóng góp từ xa bằng những kiến thức, bài viết, trang web với những thông tin bổ ích, rồi tổ chức hội thảo khoa học, vì tri thức là vô giá.
Các vị lãnh đạo hay nói đến "trải thảm đỏ" đón kiều bào về nước. Nhiều người lại muốn giúp lặng lẽ, không cần trống rong cờ mở. Họ chỉ mong lời mời chân thành và đó là mong muốn thực sự của các nhà làm chính sách.
Người quay về chỉ mong cơ chế thông thoáng giúp họ đầu tư, từ tiền bạc đến chất xám, mà không cần bất kỳ tấm thảm nào. Trải thảm thì đừng dựng tường ngăn cách, lúc bán nhà coi Việt kiều như người nước ngoài, nhưng khi kêu gọi đóng góp lại cho là "máu thịt". Tính nhất quán trong phát biểu chính trị phải được thể hiện rõ trong hành động hàng ngày từ cấp thấp đến cao.
Một người bạn lên sứ quán xin visa, mọi việc trôi chảy. Cho đến lúc nộp tiền phí 100$, người thu ngân không đưa hóa đơn thanh toán, anh gặng hỏi mãi mới lấy được. Người ta sẽ nghĩ gì về tham nhũng và xã hội trong sạch nếu đang chuẩn bị bán cái nhà trả góp 30 năm để về xây dựng quê hương.
Sống ở môi trường phương Tây, kiều bào đã quen với khái niệm "tin cậy - credibility", nên việc xây dựng lòng tin cho cả hai phía phải được đặt lên hàng đầu. Khi đã có lòng tin, việc giúp đất nước chỉ còn là thời gian.
Xã hội văn minh là vì có không gian để mỗi cá nhân bày tỏ chính kiến. Đó là điều mong của nhiều trí thức nặng lòng với đất nước. Luther King đã nói, cuộc sống sẽ ngừng trôi khi người ta im lặng về những điều lẽ ra phải lên tiếng.
Lời kết
Mỗi người Việt xa tổ quốc đều có câu chuyện riêng của mình, chuyện vui, chuyện buồn, chuyện mất mát giữa biển khơi hay thành đạt nơi xứ người. Nhưng tất cả đều có một cái chung, đó là tổ quốc hình chữ S. Người ta yêu đất nước không phải vì một đảng phái nào mà đơn giản đó là nơi chôn rau cắt rốn, mỗi cá thể yêu quê hương theo cách riêng của mình
Mỗi ngày dành vài phút nghĩ về xứ sở sẽ giúp tất cả vượt qua được những bức tường ngăn cách do vài cuộc chiến đau thương đã gây ra cho dân tộc nhỏ bé này. Đây là lúc người Việt ở khắp bốn phương nên nhìn về cội nguồn, bỏ qua quá khứ, hướng tới tương lai.
Để làm được điều đó, những người lãnh đạo chính trị cần có tâm, có tầm, lấy dân tộc làm trung tâm và cứu cánh cho mọi tư tưởng phát triển thì không cần những hội nghị toàn thế giới mà vẫn đoàn kết được 86 triệu người.
Khi đó mới mong thế hệ trẻ tương lai, dù đi đâu trên trái đất này, vẫn nhớ lời mẹ ru thuở ấu thơ "Con ơi, con ngủ cho ngoan".
Toi yêu hình chữ S!
Trả lờiXóa